Sáng chế là một loại tài sản đặc biệt mang lại nhiều giá trị cho chủ sở hữu. Nó là một loại tài sản vô hình, chỉ được pháp luật bảo hộ, công nhận quyền sở hữu khi tiến hành đăng ký bảo hộ sáng chế. Việc đăng ký bảo hộ sáng chế là cần thiết vì nó giúp chủ sở hữu dễ dàng chứng minh quyền sở hữu của mình đối với sáng chế khi có tranh chấp. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đăng ký bảo hộ sáng chế khá phức tạp và có nhiều cá nhân, tổ chức không biết quy trình thực hiện việc đăng ký bảo hộ sáng chế doanh nghiệp. Để cho quý khách hàng hiểu rõ hơn về thủ tục đăng ký bảo hộ sáng chế, công ty tư vấn Luật INSLAW giới thiệu thông qua bài viết sau:
Đăng ký bảo hộ sáng chế là gì?
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì sáng chế là một giải pháp kỹ thuật dưới dạng là sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Sáng chế bao gồm các đặc điểm cơ bản sau:
- Sáng chế là giải pháp kỹ thuật tồn tại thông qua hai dạng chính đó là sản phẩm hoặc là quy trình. Giải pháp kỹ thuật chính là biện pháp để giải quyết một vấn đề mang đặc tính kỹ thuật.
- Sáng chế tồn tại ở dạng sản phẩm bao gồm: vật thể, chất thể và vật liệu sinh học.
- Sáng chế tồn tại dưới dạng quy trình bao gồm: nó được thể hiện bằng tập hợp các thông tin xác định cách thức thực hiện công việc theo một quá trình, xác định bởi các đặc điểm cơ bản về trình tự, điều kiện, thành phần tham gia, biện pháp…
- Giải pháp kỹ thuật là sáng chế phải giải quyết được vấn đề kỹ thuật bằng cách áp dụng các quy luật tự nhiên.
- Giải pháp hữu ích thực chất là một sáng chế ở trình độ thấp hơn. Điều kiện bảo hộ giải pháp hữu ích đơn giản hơn, không đòi hỏi trình độ sáng tạo và thường thời hạn bảo hộ ngắn hơn.
Tại sao cá nhân, tổ chức phải đăng ký bảo hộ sáng chế?
Đăng ký sáng chế là việc yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ xem xét, đánh giá, xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế theo yêu cầu của chủ sở hữu khi sáng chế đáp ứng đầy đủ tất cả các tiêu chuẩn bảo hộ theo quy định của pháp luật và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích tùy theo yêu cầu chủ sở hữu. Việc đăng ký bảo hộ sáng chế là thực sự cần thiết, nhất là trong điều kiện xã hội phát triển và các đối thủ cạnh tranh có thể sử dụng mọi biện pháp cạnh tranh, tránh trường hợp ăn cắp ý tưởng trong quá trình thực hiện nếu không đăng ký bảo hộ sáng chế đó. Đăng ký bảo hộ sáng chế nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của chủ sở hữu tránh được các rủi ro trong quá trình sử dụng sáng chế của mình.
Những đối tượng nào được và không được bảo hộ dưới hình thức sáng chế.
Đối tượng được bảo hộ dưới hình thức sáng chế:
Theo quy định tại điều 58 của Luật Sở hữu trí tuệ thì sáng chế sẽ được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau: có tính mới, có trình độ sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghệ. Trong trường hợp mà sáng chế đó không đáp ứng được tính sáng tạo mà có tính mới và có khả năng áp dụng công nghệ thì sáng chế đó sẽ được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Theo quy định tại Điểm b Điều 25.3 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN của Bộ khoa học và công nghệ thì Giải pháp kỹ thuật là một đối tượng được bảo hộ dưới danh nghĩa là sáng chế. Giải pháp kỹ thuật được hiểu là một tập hợp trong đó cần và đủ các thông tin về cách thức kỹ thuật và/hoặc phương tiện kỹ thuật nhằm mục đích giải quyết một nhiệm vụ xác định. Giải pháp kỹ thuật bao gồm các dạng sau:
-
Sản phẩm dưới dạng vật thể bao gồm: dụng cụ, máy móc, thiết bị, linh kiện, mạch điện…
-
Sản phẩm dưới dạng chất thể như: vật liệu, chất liệu, thực phẩm, dược phẩm…
-
Sản phẩm dưới dạng vật liệu sinh học như: gen, thực vật/động vật biến đổi gen…
-
Quy trình bao gồm các quy trình sau: quy trình công nghệ; phương pháp chẩn đoán, dự báo, kiểm tra, xử lý…
Đối tượng không được bảo hộ dưới dạng sáng chế:
Thứ nhất: Đối tượng không được bảo hộ sáng chế dưới hình thức là giải pháp kỹ thuật trong các trường hợp sau:
- Đối tượng nêu trong đơn chỉ là những ý tưởng hoặc ý đồ hoặc đặt vấn đề mà đó không phải là cách giải quyết vấn đề, nó không thể trả lời được câu hỏi “bằng cách nào” hoặc/và “bằng phương tiện gì”;
- Vấn đề được đặt ra để giải quyết nhưng đó không phải là vấn đề kỹ thuật và không thể giải quyết được bằng cách thức kỹ thuật;
- Các sản phẩm tự nhiên, nó không phải là sản phẩm sáng tạo của con người.
Thứ hai: theo quy định tại Điều 59 Luật Sở hữu trí tuệ, các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế:
- Là những phát minh, những lý thuyết khoa học, những phương pháp toán học;
- Là những Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh, các chương trình máy tính;
- Là cách thức thể hiện thông tin;
- Là giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ;
- Là giống thực vật, giống động vật;
- Là quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh;
- Là phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.
Điều kiện đăng ký sáng chế
Để đăng ký sáng chế cần phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Tác giả phải tạo ra sáng chế bằng công sức và chi phí của mình;
- Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới các hình thức như giao việc, thuê việc trừ trường hợp mà các bên có thỏa thuận khác và thỏa thuận đó không trái với các quy định của pháp luật;
- Đối với các đối tượng xin bảo hộ nhưng có nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau sáng tạo ra hoặc đầu tư để sáng tạo thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký, nhưng quyền đăng ký chỉ được thực hiện khi mà tất cả các tổ chức, cá nhân đồng ý;
- Sáng chế sẽ được bảo hộ trong trường hợp được tạo ra do sử dụng cơ sở vật chất – kỹ thuật, kinh phí từ ngân sách Nhà nước.
Tùy thuộc vào hình thức cụ thể thì điều kiện đăng ký bảo hộ sáng chế cũng khác nhau, cụ thể:
Điều kiện đăng ký bảo hộ sáng chế dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ thì để sáng chế được cấp dưới hình thức Bằng độc quyền sáng chế thì sáng chế đó cần đáp ứng được các điều kiện bảo hộ sau:
- Có tính mới: Để được xem là có tính mới thì sáng chế đó phải chưa được công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả hay bằng bất kỳ hình thức nào; chỉ có một số người có quyền hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về sáng chế đó. Để kiểm tra tính mới thì nên tra cứu sáng chế tại cơ sở dữ liệu của Cục Sở hữu trí tuệ để xem có bị trùng với các sáng chế trước đó hay không.
- Có tính sáng tạo: Để được xem là có trình độ sáng tạo thì sáng chế đó phải là một bước tiến sáng tạo, nó không thể được tạo ra một cách dễ dàng.
- Có khả năng áp dụng công nghiệp: Để được xem là có khả năng áp dụng công nghiệp thì sáng chế đó phải: nó có thể thực hiện được việc tạo và sản xuất hàng loạt các sản phẩm; áp dụng lặp đi lặp lại quy trình của sáng chế và thu được kết quả ổn định.
Điều kiện để bảo hộ sáng chế dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích:
Theo quy định của Khoản 2 Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ quy định cụ thể về điều kiện bảo đăng ký sáng chế dưới hình thức là cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích như sau: có tính mới và có khả năng áp dụng công nghiệp.
Điều kiện bảo hộ sáng chế thông qua hình thức cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích đơn giản hơn so với đăng ký bảo hộ sáng chế thông qua hình thức cấp bằng độc quyền sáng chế. Nếu đáp ứng đủ các điều kiện này thì sẽ được cấp bằng tùy theo hình thức mà mình đã đăng ký trong đơn.
Quy trình, thủ tục đăng ký bảo hộ sáng chế.
Để đăng ký bảo hộ sáng chế, tổ chức, cá nhân muốn thực hiện việc đăng ký thực hiện thủ tục theo các quy trình sau:
Bước 1: Tổ chức, cá nhân tiến hành nộp hồ sơ lên Cục Sở hữu trí tuệ
Tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký sáng chế có thể nộp đơn lên Cục Sở hữu trí tuệ qua hai còn đường: gửi qua bưu điện hoặc nộp đơn trực tiếp tới Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ. Cục Sở hữu trí tuệ có trụ sở chính tại Thành phố Hà nội và hải văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền thẩm định hình thức hồ sơ
Cán bộ, chuyên viên tại Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân. Sau đó, họ sẽ tiến hành thẩm định hồ sơ về mặt hình thức – kiểm tra về thành phần hồ sơ. Sau khi tiến hành thẩm định xong cán bộ, chuyên viên sẽ thông báo kết quả về tính pháp lý của hồ sơ. Thông báo thuộc hai trường hợp sau:
- Trường hợp thứ nhất: hồ sơ đã hợp lệ, cán bộ, chuyên viên của Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo chấp thuận đơn đăng ký sáng chế của chủ thể đã nộp đơn.
- Trường hợp thứ hai: hồ sơ không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo từ chối chấp nhận đơn. Tổ chức, cá nhân tiến hành bổ sung và nộp lại theo bước 1.
Bước 3: Tiến hành thẩm định nội dung hồ sơ
Những hồ sơ đã được nhận thông báo hợp lệ thì sẽ được tiếp tục thẩm định về mặt nội dung. Để được thẩm định về nội dung, cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ cần gửi yêu cầu thẩm định nội dung. Cục Sở hữu trí tuệ đánh giá khả năng được bảo hộ cần đáp ứng được dược các điều kiện về mỗi hình thức bảo hộ tương ứng.
Sau khi quá trình thẩm tra nội dung kết thúc, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ đưa ra hai kết quả như sau:
- Thứ nhất: đối tượng đăng ký sáng chế nêu trong đơn đăng ký không đủ điều kiện để được bảo hộ thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
- Thứ hai: đối tượng nêu trong đơn đăng ký đã đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, cá nhân, tổ chức cũng đã thực hiện việc nộp lệ phí đầy đủ thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành cấp văn bản bảo hộ. Đối tượng được bảo hộ sẽ được ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp, và công bố trên Công báo Sở hữu trí tuệ.
Chi phí đăng ký bảo hộ sáng chế là bao nhiêu?
Về phí lệ phí bao gồm các loại sau:
- Lệ phí nộp đơn, lệ phí công bố đơn, lệ phí tra cứu, lệ phí cấp bằng và lệ phí đăng bạ;
- Phí thẩm định nội dung, phí tra cứu và các phí khác có liên quan;
Tùy thuộc vào hình thức đăng ký bảo hộ khác nhau mà chi phí đăng ký bảo hộ khác nhau. Hãy liên hệ với công ty tư vấn Luật INSLAW để biết thêm thông tin chi tiết về phí đăng ký bảo hộ sáng chế.
Nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế ở đâu?
Theo quy định của pháp luật thì việc đăng ký sáng chế thuộc thẩm quyền của Cục Sở hữu trí tuệ. Các tổ chức, cá nhân nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế ở Cục Sở hữu trí tuệ.
Cơ quan có thẩm quyền.
Cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ sáng chế là Cục Sở hữu trí tuệ. Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành tiếp nhận các đơn đề nghị về đăng ký ảo hộ sáng chế, và thực hiện các bước thẩm định, kiểm tra đơn và cuối cùng ra quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
Căn cứ pháp lý
- Luật Sở hữu trí tuệ;
- Nghị định 103/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;
- Thông tư 22/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chi tiết về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công;
- Thông tư 01/2007/TT-BKHCN của Bộ khoa học và công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định 103/2006/NĐ-CP của Chính phủ.
Xem các đơn hàng khác